Lượt xem: 1264

Sóc Trăng phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt

Trải qua những thiệt hại nặng nề từ đợt hạn mặn lịch sử của mùa khô năm 2015 - 2016, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng thành công các kịch bản ứng phó với diễn biến xâm nhập mặn theo từng cấp độ khác nhau, trong đó có cả giải pháp công trình và phi công trình. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, trong mùa khô năm nay, nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt được đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy được hiệu quả rõ rệt, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân ngay trong giai đoạn đang bước vào cao điểm mùa khô.

 


Trạm bơm Bà Xẩm phục vụ nhu cầu lấy nước ngọt cho vùng thuỷ lợi khép kín Long Phú – Tiếp Nhựt

 

    Không còn hình ảnh phải nhọc nhằn bốc vác từng bao lúa qua khỏi cống như mùa khô của những năm trước, giữa mùa hạn mặn, cống Cái Quanh vẫn được mở để hỗ trợ nhu cầu giao thông thủy cho các ghe mua lúa trong giai đoạn thu hoạch rộ trà lúa Đông Xuân. Đây là hiệu quả thiết thực mang lại từ công trình cửa cưỡng bức vừa được bàn giao với nguồn vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng. Cách 2 ngày, khi mực nước phía trong và ngoài cống ở ngưỡng thích hợp (dòng nước không bị chảy siết), cửa cưỡng bức sẽ được mở trong thời gian từ 45 đến 60 phút, mà vẫn đảm bảo không để nước mặn tràn vào khu vực. Điều này vừa giúp nông dân trong vùng tiết kiệm đáng kể chi phí thuê mướn nhân công, vừa đảm bảo chất lượng lúa khi được vận chuyển đến điểm thu mua trong thời gian sớm nhất. Ông Trang Đắc Kỷ - xã Tân Thạnh, huyện Long Phú vui mừng cho biết: “Hồi chưa có cái cống cưỡng bức này phải chờ khi nào nước ngọt cống mới mở, nên ghe ra vô mua lúa rất khó. Giờ có cái cống này rất là thuận tiện cho dân. Chi phí vận chuyển cũng rất là nhẹ”.

    Riêng cống Bà Xẩm tại khu vực xã Long Đức, huyện Long Phú là một trong những công trình có chức năng cấp nước cho vùng thủy lợi khép kín Long Phú – Tiếp Nhựt. Nếu như trước kia, việc cấp nước còn gặp nhiều hạn chế khi nông dân còn thụ động trong công tác tích trữ nước, thì nay, trạm bơm với công suất 10.000 m3/giờ được lắp đặt tại cống đã giúp nông dân trong vùng có thêm lượng nước ngọt vừa đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Ông Trương Văn Hết - nông dân xã Long Đức, huyện Long Phú cho biết thêm: “Trước kia muốn lấy nước ngọt vô là khó lắm. Từ hồi có trạm bơm này thấy tốt hơn nhiều, ruộng có nước ngọt nhiều hơn nên năng suất đạt cũng khoảng 50 đến 70%”.

    Theo kết quả quan trắc, độ mặn cao nhất trong tuần trên sông Hậu tại Trần Đề ở mức 19,8‰, tại Long Phú là 15,2‰ và trên sông Mỹ Thanh tại Dù Tho là 4,9‰... Nhận định chung từ ngành chức năng cho thấy, hạn mặn mùa khô năm nay diễn ra không gay gắt so với trung bình nhiều năm, nhưng độ mặn diễn biến phức tạp và nhiều thời điểm tăng cao đột ngột. Bên cạnh việc khẩn trương nạo vét các kênh thủy lợi, công tác vận hành các công trình cũng được đơn vị chuyên môn chỉ đạo phù hợp với diễn biến tình hình thực tế nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình hiện có. Ông Lê Bá Khiết - Giám đốc Công ty cổ phần Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Chúng tôi phân công anh em trực 24/24 để điều tiết nước cho phù hợp. Trong đầu tháng 2 độ mặn tăng lên đột xuất nên các cống cơ bản đã được đóng và chỉ vận hành khi nguồn nước cho phép. Năm nay xâm nhập mặn xuất hiện trùng với đợt thu hoạch lúa trong vùng dự án Long Phú – Tiếp Nhựt nên việc vận hành cống cũng đảm bảo phù hợp để điều tiết lượng ghe tàu vận chuyển lúa từ kênh, rạch ra”.

    Hệ thống cống được duy tu, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo không rò rỉ nước mặn khi mặn xâm nhập trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh, các kênh thủy lợi được nạo vét từ kênh cấp 3 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 1 và cấp 1 lên tạo nguồn... tất cả đã góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt công tác ngăn mặn, trữ ngọt, góp phần kiểm soát nước phục vụ cho sản xuất. Hiện nay, tỉnh đã và đang trình Trung ương phê duyệt kinh phí đầu tư thêm nhiều công trình quy mô nhằm nâng cao năng lực ứng phó xâm nhập mặn tại những địa bàn “nhạy cảm” thông qua giải pháp công trình.


Cửa cưỡng bức tại cống Cái Quanh góp phần điều tiết giao thông thuỷ cho ghe mua lúa vào khu vực ngay trong mùa hạn, mặn.

 

    Đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Sóc Trăng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư hệ thống cống dọc theo Quốc lộ Nam sông Hậu từ âu Rạch Mọp đến các hệ thống cống, dài đến An Lạc Thôn, các hệ thống thủy lợi này sau khi hoàn chỉnh sẽ phát huy được hiệu quả kiểm soát nước tại huyện Kế Sách, đảm bảo cho vùng trồng cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Riêng đối với vùng Long Phú – Tiếp Nhựt và toàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự án đề nghị vay vốn để xây dựng âu thuyền Đại Ngãi và âu thuyền Mỹ Xuyên. Nếu có được hai âu thuyền này, các vùng sản xuất thuộc vùng thủy lợi khép kín của tỉnh sẽ yên tâm sản xuất khi kiểm soát được hạn, mặn”.

    Có thể thấy, giải pháp công trình ứng phó với hạn, mặn ở Sóc Trăng rất thành công theo chủ trương của Tỉnh ủy, của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai tỉnh. Ngoài những công trình, dự án phòng, chống xâm nhập mặn đã, đang và sắp được triển khai, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kịch bản mang tính thích ứng lâu dài với hạn, mặn theo từng thời điểm khác nhau; trong đó, ưu tiên cho giải pháp khống chế mặn, tăng năng lực trữ ngọt để ứng phó với xu thế hạn mặn mùa khô đang có những biểu hiện gay gắt, khó lường hơn theo từng năm.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 779
  • Trong tuần: 70,112
  • Tất cả: 11,864,139